Căng cơ lưng là hiện tượng khá phổ biến mà hầu như người nào cũng từng gặp phải. Vậy, căng cơ lưng là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ra sao? Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về hiện tượng này nhé.
Căng cơ thắt lưng là bệnh gì?
Căng cơ thắt lưng là tình trạng có tỷ lệ gặp phải cao nhất trong các trường hợp chấn thương vùng thắt lưng, khi đó gân hoặc cơ vùng thắt lưng bị bị căng giãn hoặc rách. Hiện tượng căng cơ này thường diễn ra ở cơ lưng dưới hoặc cơ vuông thắt lưng.
Các dây chằng và cơ bắp vùng lưng cũng đảm nhiệm chức năng giữ vững cột sống, khi các cơ này bị căng quá mức sẽ suy yếu dần khiến cột sống ngày càng kém ổn định và gây ra cơn đau lưng.
Nguyên nhân căng cơ lưng
Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng căng cơ lưng bao gồm:
- Té ngã hoặc chấn thương
- Các hoạt động khiến cơ lưng căng mỏi như gập người, duỗi người, mang vác đồ nặng không đúng tư thế, vặn xoắn người (chơi golf, bóng chày, bóng rổ) hoặc kéo nhiều (nâng tạ)
- Không giãn cơ hoặc khởi động trước khi chơi thể thao có thể khiến cơ thắt lưng bị căng
- Ho nhiều
- Béo phì
- Hút thuốc lá
Bên cạnh các nguyên nhân nếu trên, rất nhiều yếu tố khác cũng làm nguy cơ gặp phải hiện tượng căng cơ lưng tăng lên như:
- Ít vận động: Việc này khiến cho cơ bắp yếu đi và dễ gặp chấn thương hơn.
- Mệt mỏi: Khi cơ bắp mệt mỏi, các khớp sẽ không được nâng đỡ tốt. Trong lúc mệt mỏi, cơ thể bạn cũng khó có thể chống chịu được áp lực tác động lên khớp hoặc co duỗi cơ quá mức.
- Khởi động sai cách: Trước khi tập luyện, vận động mạnh mà bạn không khởi động đúng cách sẽ khiến cơ không giãn được ra, làm các khớp bị giới hạn tầm vận động và dễ bị thương tổn hơn.
- Yếu tố môi trường: Bề mặt sàn không bằng phẳng hoặc trơn trượt sẽ làm tăng nguy cơ chấn thương cho bạn.
- Dụng cụ không đảm bảo: Giày hay những dụng cụ khác độ bám không tốt hoặc không vừa với cơ thể cũng sẽ làm nguy cơ căng cơ tăng lên.
Căng cơ thắt lưng có thể xảy ra ở bất kì ai. Vận động viên thể thao, nhất là vận động viên thể dục dụng cụ, cầu thủ bóng đá, rất dễ gặp hiện tượng căng cơ trong khi thi đấu, tập luyện.
Triệu chứng căng cơ lưng
Tình trạng này thường đặc trưng bởi cơn đau thắt lưng đột ngột và đau tăng lên khi vận động (duỗi, uốn, lao động tay chân). Cơn đau cũng diễn ra khi bệnh nhân bê vác vật nặng, vận động sai tư thế, đi giày cao gót, rung xóc lúc đi xe đường dài, sau một vận động đột ngột hoặc sau nhiễm lạnh. Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện là cứng và đau lưng, co thắt vùng thắt lưng, đau chân và mông.
Dấu hiệu đau thường đi kèm với tình trạng co cứng cơ quanh cột sống, lệch vẹo cột sống, mất đường cong sinh lý của cột sống. Trong quá trình thăm khám, bác sỹ có thể xác định điểm đau bằng cách ấn dọc theo các mỏm gai đốt hoặc khe gian đốt.
Bạn cũng có thể có các biểu hiện không được đề cập trong bài viết. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ khi có thắc mắc về bệnh nhé.
Bạn cần đến gặp bác sỹ nếu có dấu hiệu khó tiểu hoặc mất kiểm soát tiểu tiện. Nếu có bất cứ băn khoăn nào về triệu chứng của bệnh hoặc bản thân có triệu chứng bất thường, hãy tới gặp bác sỹ để được tư vấn cụ thể nhé. Tình trạng bệnh và cơ địa từng người sẽ khác nhau. Bạn nên trao đổi với bác sỹ để được chẩn đoán, chỉ định những biện pháp điều trị tốt nhất và phù hợp nhất với bạn.
Cách điều trị căng cơ lưng
Các thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay cho lời khuyên từ bác sỹ chuyên khoa, nhân viên y tế. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ trước khi áp dụng bất cứ phương pháp chữa bệnh nào nhé.
Một số biện pháp đơn giản để điều trị căng cơ thắt lưng mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà đó là:
- Chườm nóng, chườm đá
Chườm nóng, chườm đá, nghỉ ngơi, thuốc men kết hợp với các bài thể dục. Người bệnh cần nghỉ ngơi từ 1 đến 2 ngày rồi bắt đầu vận động lại từ những hoạt động nhẹ nhàng. Trong 2 đến 3 ngày đầu chấn thương, nên chườm đá để giảm triệu chứng sưng tấy. Ngâm mình hoặc tắm nước nóng rất có hữu ích trong trường hợp này.
- Dùng thuốc chống viêm không steroid và thuốc giãn cơ
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc chống viêm không steroid và thuốc giãn cơ để giảm nhẹ tình trạng đau. Tuy nhiên, các loại thuốc tân dược này đều có tác dụng không mong muốn. Thuốc giãn cơ thường gây chóng mặt, buồn ngủ và phát ban. Thuốc chống viêm không steroid thì có thể gây loét dạ dày, tiêu chảy, đau bụng, phát ban, chóng mặt hoặc giảm thính lực.
- Vật lý trị liệu
Phương pháp vật lý trị liệu rất có tác dụng đối với trường hợp này. Các bài tập vận động sẽ giúp tăng sức mạnh của các cơ vùng bụng, đồng thời kéo duỗi, cải thiện sức mạnh cơ lưng khi mắc bệnh và sau khi khỏi bệnh.
- Xây dựng lối sống lành mạnh
Ngoài ra, bạn cần xây dựng cho mình một chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học để hạn chế sự tiến triển của tình trạng căng cơ lưng. Tình trạng này có thể được cải thiện, hạn chế nếu người bệnh:
- Tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của bác sỹ
- Giảm cân nếu đang có hiện tượng thừa cân, béo phì
- Luyện tập các động tác kéo duỗi để cải thiện và tăng cường sức khỏe hàng ngày cho cơ lưng.
- Đứng, ngồi hoặc mang vác đồ nặng đúng tư thế. Khi muốn nhấc đồ vật nặng, bạn cần gập đầu gối xuống.
Căng cơ lưng là hiện tượng không hề hiếm gặp, bạn không cần quá lo lắng khi mắc phải tình trạng này, tuy nhiên cũng không được chủ quan. Căng cơ lưng mặc dù không quá nguy hiểm đối với người mắc nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.
Bạn có thể tham khảo các thông tin trong viết để xử trí khi gặp hiện tượng căng cơ lưng nhưng đừng quên tham khảo ý kiến bác sỹ để được chỉ định biện pháp điều trị phù hợp nhất với bản thân nhé.