Tình trạng thủng màng nhĩ có thể xảy ra ở mọi đối tượng từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi. Nếu không được vệ sinh đúng cách, thủng màng nhĩ có thể gây ra chứng ù tai, giảm thính lực. Vậy cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ như thế nào để an toàn nhất? Cùng tìm hiểu nhé!

Cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ

Vệ sinh tai là một khâu vô cùng quan trọng khi bị thủng màng nhĩ. Bởi nếu tai được vệ sinh đúng cách sẽ hạn chế tối đa tình trạng viêm nhiễm và giúp quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn. Ngược lại, khi tai không được vệ sinh tốt sẽ vô tình gây nhiễm trùng tai, khiến tình trạng thủng màng nhĩ tiến triển nặng hơn.

Cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ
Cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ an toàn nhất

Khi bị thủng màng nhĩ, người bệnh có thể vệ sinh tại nhà theo cách đơn giản và an toàn sau:

  • Chuẩn bị khăn sạch mềm, nước muối sinh lý, nước ấm
  • Pha nước muối sinh lý vào nước ấm và dùng khăn sạch nhúng vào hỗn hợp trên để vệ sinh phần ngoài tai.
  • Dùng nước muối sinh lý nhỏ vào tai. Bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc nhỏ tai theo chỉ định của bác sĩ.
  • Khi thực hiện nhỏ tai cần nghiêng đầu để phía tai bị thủng màng nhĩ ở trên và nhỏ nước muối sinh lý vào trong ống tai. Sau khi nhỏ, người bệnh cần giữ đầu khoảng 1 đến 3 phút và nghiêng đầu quay trở lại.
  • Thực hiện vệ sinh tai 3 lần mỗi ngày để đảm bảo ống tai luôn sạch sẽ từ đó tránh nhiễm trùng.

Khi thực hiện vệ sinh tai, người bị thủng màng nhĩ cần lưu ý thêm:

  • Không để nước tràn vào trong tai đặc biệt là nước bẩn. Vì vậy, bạn cần cẩn thận khi tắm, không đi bơi khi bị thủng màng nhĩ. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ không cho trẻ bú nằm có thể khiến sữa chảy vào tai.
  • Người bệnh thủng màng nhĩ cần hạn chế xúc môi trường tiếng ồn lớn hay âm thanh mạnh.
  • Không sử dụng các vật cứng như que tăm, sắt để lấy ráy tai
  • Chú ý vệ sinh cả họng và mũi bằng nước muối sinh lý. Bởi ba cơ quan tai mũi họng thông nhau. Khi một cơ quan bị viêm nhiễm có thể khiến các bộ phận còn lại ảnh hưởng.
  • Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, ưu tiên các thực phẩm mềm, mát giúp chống viêm và giảm tổn thương do thủng màng nhĩ hiệu quả hơn.

Màng nhĩ bị thủng có tự lành được không?

Màng nhĩ ở tai con người được cấu tạo gồm ba lớp: Lớp biểu bì bên ngoài, lớp xơ ở giữa và lớp niêm mạc trong cùng. Màng nhĩ có chức năng dẫn truyền âm thanh và bảo vệ tai giữa khỏi các tác nhân gây nhiễm trùng bên ngoài. Khi bị thủng màng nhĩ, thính lực của mỗi người sẽ bị giảm là khác nhau tùy thuộc vào kích thước lỗ thủng.

Trong trường hợp lỗ thủng màng nhĩ kích thước nhỏ, mức độ giảm độ nhạy bén thính lực từ 10 db đến 15 db có khả năng tự lành được trong một vài tuần.

Trường hợp màng nhĩ thủng lớn sẽ làm giảm thính lực trên 20 db và khiến khả năng nghe giảm đi. Lúc này, vết thủng màng nhĩ sẽ không thể tự lành mà cần được can thiệp y khoa như phẫu thuật để khôi phục khả năng nghe.

Thủng màng nhĩ có chữa khỏi được không?

Thủng màng nhĩ hoàn toàn có thể khỏi nếu người bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách. Tùy từng trường hợp bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp can thiệp khác nhau như:

Dùng các loại thuốc kháng sinh

Các loại thuốc kháng sinh được sử dụng trong trường hợp bị thủng màng nhĩ do nhiễm trùng tai. Thuốc kháng sinh được chỉ định sử dụng cho người bệnh có thể ở dạng uống hoặc dạng nhỏ tai giúp giảm triệu chứng nhưng không có tác dụng làm lành màng nhĩ.

Vá màng nhĩ

Trường hợp các lỗ thủng màng nhĩ nhỏ thường có thể tự liền sau một thời gian nhất định. Tuy nhiên, khi tai bị thủng màng nhĩ lớn và không có khả năng tự lành, người bệnh cần thực hiện phẫu thuật vá màng nhĩ. Các bác sĩ sẽ thực hiện bằng cách lấy mô từ khu vực khác trên cơ thể sau đó đặt vào vết rách trong màng nhĩ. Các miếng vá này giúp màng nhĩ liền lại nhanh. Tuy nhiên, người bệnh cần duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý sau phẫu thuật để tránh bệnh tái phát.

Khắc phục tại nhà

Ngoài các phương pháp điều trị y khoa, người bệnh có thể sử dụng các phương pháp khắc phục tại nhà để giảm cơn đau nhanh như:

  • Hạn chế xì mũi, vì tai mũi họng có liên hệ với nhau và động tác xì mũi ở người bị thủng màng nhĩ vô tình gây áp lực tác động đến tai và gây đau khó chịu khiến các mô mỏng khó bình phục.
  • Sử dụng đồ bảo vệ tai hoặc trùm tai khi bạn tắm hoặc di chuyển, làm việc ở những khu vực có tiếng ồn lớn.
  • Luôn giữ tai bị thủng màng nhĩ khô ráo, tránh nước vào có thể gây nhiễm trùng tái phát.
  • Người bệnh không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nhỏ tai nào khi không có chỉ định của bác sĩ.

Các biến chứng khi bị thủng màng nhĩ

Thủng màng nhĩ có thể gây ra triệu chứng chảy nước ở tai, đau rát tai… Khi bệnh không được điều trị sớm có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như:

Các biến chứng khi bị thủng màng nhĩ
Các biến chứng khi bị thủng màng nhĩ

Suy giảm thính lực nặng

Tình trạng suy giảm thính lực kéo dài từ khi màng nhĩ bị tổn thương cho tới khi lành. Trong trường hợp vết rách màng nhĩ ngày càng lớn có thể khiến thính lực suy giảm nặng hơn.

Bệnh viêm tai giữa

Tình trạng thủng màng nhĩ khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào tai. Quá trình xâm nhập vi khuẩn càng lâu và nghiêm trọng khiến người bệnh có thể bị nhiễm trùng mãn tính gây viêm tai giữa. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh bị mất thính lực vĩnh viễn.

U nang tai giữa

Còn được gọi là cholesteatoma – một u nang trong tai giữa gồm các mảnh vụn ống tai và tế bào da. Thông thường, với sự trợ giúp của ráy tai, các mảnh vụn ống tai di chuyển đến tai ngoài. Trong trường hợp bị thủng màng nhĩ, các mảnh vụn có thể đi vào tai giữa và hình thành u nang. Tình trạng này tăng nguy cơ hỏng tai giữa, suy giảm thính lực nặng.

Thủng màng nhĩ không phải là bệnh lý nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, người bệnh nên quan sát, thăm khám tại các cơ sở y tế để có phương pháp cải thiện bệnh nhanh và hạn chế những biến chứng nguy hiểm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *